Bến Tre áp dụng nhiều công nghệ nhằm cải thiện giá trị cây dừa
Ở Đồng bằng sông Cửu Long, Bến Tre là tỉnh có diện tích cũng như mật độ trồng dừa cao nhất khu vực. Cây dừa vốn được xem như đặc sản và là loại cây trồng kinh tế chủ lực của đại phương này từ nhiều năm nay.
Để hướng tới nuôi trồng và sản xuất thông minh giúp phát huy hết tiềm năng và hiệu quả từ cây dừa, thời gian gần đây, tỉnh Bến Tre đã triển khai nhiều mô hình canh tác áp dụng công nghệ để hỗ trợ nông dân. Những dự án này sẽ giúp cây dừa Bến Tre phát triển ổn định theo chuỗi giá trị.
Mục lục
Đa dạng các loại sản phẩm từ cây dừa Bến Tre
Các doanh nghiệp chế biến dừa Bến Tre từ lâu đã sản xuất ra hàng trăm sản phẩm từ dừa. Những mặt hàng này nhằm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Rất nhiều sản phẩm khác được chế biến từ thành phần chính của trái dừa khô nguyên liệu là cơm dừa, nước dừa, vỏ dừa… cũng đã được tận dụng triệt để cho nhiều sản phẩm có giá trị. Ðơn cử, từ cơm và nước dừa có thể chế biến thành các sản phẩm sữa dừa, bột sữa dừa, dầu dừa, kẹo dừa, thạch dừa,…. Vỏ dừa sản xuất ra chỉ xơ dừa, gáo dừa, các loại đồ thủ công mỹ nghệ. Thân và lá cây dừa khi già cỗi bị đốn bỏ cũng được sử dụng để sản xuất nhiều sản phẩm đồ gia dụng.
Giá trị cây dừa Bến Tre được nâng cao nhờ áp dụng công nghệ
Những năm trước đây, công nghệ và thiết bị ngành công nghiệp chế biến dừa của Bến Tre còn thô sơ. Sản xuất thì hoàn toàn bằng thủ công. Trình độ chỉ ở mức thấp đến trung bình. Các sản phẩm chế biến từ dừa có giá trị thấp. Ví thế gặp khó khăn khi gia nhập vào thị trường xuất khẩu.
Hiện nay, nhờ áp dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất; ngành công nghiệp chế biến dừa ở Bến Tre đã có bước tiến bộ vượt bậc. Nhờ đó ngành này đã nhanh chóng hội nhập với thế giới. Công nghệ chế biến đổi mới đã giúp đa dạng hoá, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ông Nguyễn Hữu Lập, nguyên Phó Chủ tịch UBND Bến Tre đánh giá: Bến Tre tự hào có công nghệ chế dừa tiên tiến. 10 năm trước, công nghệ chế biến dừa của Bến Tre lạc hậu hơn Sri Lanka rất nhiều. Tuy nhiên đến nay, các chuyên gia của Sri lanka cho biết công nghệ của chúng ta đã đi trước họ 10 năm.
Những dòng sản phẩm cao cấp, có bước chuẩn hóa tốt về mặt chất lượng, chủng loại và nâng cao giá trị gia tăng của các sản phẩm chế biến từ dừa như sữa dừa, kem dừa, dầu dừa tinh khiết và các sản phẩm từ dầu dừa tinh khiết… đã xuất khẩu đến nhiều nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Ngành sản xuất dừa Bến Tre và những con số ấn tượng
Đến quý I/2021, Bến Tre có gần 74.000 ha dừa, tăng hơn 1.500 ha so với cùng kỳ năm trước. Năm 2020, giá trị sản xuất công nghiệp dừa đạt 5.880 tỷ đồng. Kim ngạch xuất khẩu đạt gần 347 triệu USD, tăng mạnh so với các năm.
Công ty TNHH Dừa Đông Dương ở huyện Mỏ Cày Bắc, đơn vị sản xuất thảm xơ dừa lớn nhất tỉnh Bến Tre, có doanh thu hàng tháng khoảng 5 tỷ đồng. Ông Lê Thanh Tiến, Giám đốc doanh nghiệp này chia sẻ: Trước đây, đơn vị chủ yếu sản xuất thảm xơ dừa bằng phương pháp thủ công là chủ yếu. Hiện nay, chúng tôi đã áp dụng công nghệ mới. Nó giúp công ty tự nghiên cứu cải tiến máy se chỉ xơ dừa đơn và đôi phục vụ nguồn nguyên liệu dệt thảm xuất khẩu. Từ chỉ xơ dừa có giá trị khoảng 3.000 đồng/kg; qua các công đoạn trở thành tấm thảm xuất khẩu có giá trị trên 10.000 đồng/kg; xuất khẩu nhiều nơi trên thị trường thế giới.
Cơ cấu các sản phẩm từ dừa đang dần thay đổi
Toàn tỉnh Bến Tre hiện có khoảng 182 doanh nghiệp sản xuất chế biến các sản phẩm từ dừa. Trong đó có nhiều loại hình, quy mô hoạt động đa dạng. Một số ngành chính như chế biến vỏ dừa, gáo dừa, cơm dừa, nước dừa chiếm 28,52% tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. ĐIều này giúp giải quyết việc làm cho hơn 9.500 lao động.
Để đáp ứng nhu cầu thị trường, các doanh nghiệp không ngừng đầu tư đổi mới công nghệ sản xuất. Họ cũng nghiên cứu thêm các sản phẩm mới… Qua 5 năm triển khai, cơ cấu mặt hàng các sản phẩm từ dừa đang có sự thay đổi. Lượng sản phẩm truyền thống có xu hướng giảm. Ví dụ như kẹo dừa, chỉ xơ dừa, cơm dừa nạo sấy. Các mặt hàng mới đang có xu hướng tăng khá như sữa dừa, nước dừa đóng hộp, dầu dừa…
Ông Đặng Văn Cử, Phó phòng Kế hoạch Tài chính (Sở KH-CN Bến Tre) cho biết: Phát triển nhiều sản phẩm mới đã mang lại giá trị cao cho ngành công nghiệp chế biến dừa. Nó đáp ứng đa dạng nhu cầu sử dụng, thân thiện môi trường. Các sản phẩm nổi bật như dầu dừa, mặt nạ dừa, sản xuất giấy từ tàu dừa làm bao bì, giỏ xách,… đã thay thế các loại sản phẩm bằng nhựa, nylon và những sản phẩm có giá trị dinh dưỡng tốt cho sức khỏe như mật hoa dừa. Mật hoa dừa có thể chế biến thành các sản phẩm như đường, giấm, rượu vang,…Chúng rất phù hợp xu hướng tiêu dùng hiện nay.
Hoạt động chế biến, tiêu thụ dừa trái ngày càng tăng. Hiện tại công suất chế biến đã vượt xa sản lượng dừa khô thu hoạch của tỉnh. Công suất các nhà máy chế biến hiện tại có khả năng tiêu thụ 1.254 triệu trái dừa/năm. Năm 2020 đã chế biến khoảng 584 triệu trái dừa, tương đương 109% sản lượng dừa thu hoạch của tỉnh.
Nhiều mô hình sản xuất khoa học được tỉnh Bến Tre áp dụng
Định hướng của các ngành chức năng Bến Tre
Theo Giám đốc Sở KH-CN tỉnh Bến Tre: Nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ theo chuỗi giá trị trên địa bàn tỉnh bước đầu đã tạo được sự chuyển biến tích cực. Việc nhập nội nguồn gen đã cung cấp nhanh số lượng lớn các cây dừa giống đủ tiêu chuẩn. Cây giống đã thích nghi tự nhiên với các điều kiện sinh thái.
Bên cạnh đó, đã tập trung nghiên cứu toàn diện chuỗi giá trị cây dừa. Đặc biệt là các nghiên cứu về giá trị dinh dưỡng, công dụng; về chuyển giao công nghệ chế biến các sản phẩm từ dừa có giá trị kinh tế cao.
Ngoài ra, tỉnh cũng nghiên cứu các mô hình liên kết ngang và dọc trong nông nghiệp; thị trường tiêu thụ dừa, sản phẩm từ dừa trên thế giới; các hình thức hợp tác và phân phối sản phẩm trên thị trường thế giới, … Trong ứng dụng và đổi mới thiết bị công nghệ; các ngành chức năng Bến Tre đã tổ chức nhân nhanh các giống dừa có năng suất, chất lượng tốt. Các cây có khả năng chống chịu với các điều kiện sinh thái bất lợi cũng được nhân giống.
Cùng với đó, tỉnh cũng triển khai, nhân rộng mô hình khắc phục hiện tượng dừa không mang trái, cải thiện năng suất dừa lấy dầu, quy trình quản lý theo hướng sinh học đối với bọ vòi voi, sâu đục trái… gây hại trên cây dừa. Nhân nuôi và phóng thích loài ong ký sinh Tetrastichus brontispae ký sinh nhộng bọ cánh cứng hại dừa.
Hỗ trợ từ các doanh nghiệp
Các doanh nghiệp địa phương ứng dụng, nhân rộng máy lột vỏ gỗ sọ dừa, máy lột vỏ nâu; thiết bị sấy chỉ xơ dừa, cải tiến và hoàn thiện thiết bị cắt gọt dừa uống nước. Ngành chức năng cũng chuyển giao thiết bị theo công nghệ nạo, ép nhỏ trực tiếp. Điều đó giúp sản xuất dầu dừa nguyên sinh quy mô nhỏ và phát triển công nghệ sấy tầng sôi sản phẩm cơm dừa nạo sấy.
Đối với dừa tươi uống nước, các doanh nghiệp chế biến xây dựng mô hình bảo quản và ứng dụng công nghệ tiệt trùng UHT trực tiếp của Tetra Pak. Nó giúp nước dừa sau khi được chế biến vẫn giữ mùi vị, màu sắc tự nhiên. Hơn nữa còn giữ được giá trị dinh dưỡng vốn có.