
Khám phá ngôi biệt thự sở hữu ba giếng trời
Giếng trời là khoảng không gian thẳng đứng được thông suốt từ tầng các tầng trong cả ngôi nhà. Thiết kế giếng trời được xem là giải pháp tối ưu mang thiên nhiên hòa hợp vào không gian sống. Ngoài ra thiết kế giếng trời cũng mang lại lượng ánh sáng dồi dào hơn, kiến cho ngôi nhà bạn bừng sáng và tiết kiệm được kha khá điện năng. Chúng được các kiến trúc sư ưu ái xuất hiện nhiều trong kiến trúc nhà ống. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về thiết kế của căn biệt thự 3 giếng trời và cách ứng dụng của nó cho không gian nhà ở nhé.
Mục lục
Biệt thự ba giếng trời
Gia chủ của căn nhà ống 5 tầng ở khu đô thị mới Nam Trung Yên bớt diện tích ở để làm ba giếng trời, giúp nhà sáng và thoáng hơn thiết kế ban đầu. Ngôi nhà có kích thước 6 x 15 m, thuộc kiểu nhà ống liền kề, được thiết kế cho một gia đình gồm vợ chồng cùng ba đứa con. Gia chủ mong muốn có năm phòng ngủ để mỗi người đều có thế giới riêng nhưng vẫn giữ được sự kết nối của một tổ ấm.
Công trình được bàn giao thô, tổng diện tích sàn 500 m2, ban đầu bị chia cắt bởi những bức tường ngăn phòng, chỉ có một giếng trời ở đầu nhà và căn nhà bị thiếu sáng ngay cả vào ban ngày. Khoảng giếng trời còn để thép chờ để khách bịt lại nếu muốn tăng diện tích, khiến căn nhà càng có nguy cơ tối, bí.
Để giải quyết những bất lợi này và đáp ứng yêu cầu của gia chủ, các kiến trúc sư đã cấu trúc lại công trình, chia thành hai tuyến không gian phát triển theo chiều dài nhà. Trong đó, phần thứ nhất bao gồm các không gian phụ trợ như thang bộ, thang máy, phòng thay đồ và vệ sinh. Phần thứ hai là các không gian chính như phòng khách, bếp ăn và các phòng ngủ.
Chúng mang nhiệm vụ kết nối
Ngoài việc thuyết phục gia chủ không “tham diện tích” và giữ lại giếng trời có sẵn ở đầu nhà cùng khoảng sân sau (thực chất cũng là một giếng trời); nhóm thiết kế bổ sung thêm một giếng trời giữa nhà. Ba giếng trời giúp các phòng đều được nhận ánh sáng tự nhiên và gió trời, đồng thời tạo ra điểm nhìn thú vị.
Giếng trời giữa nhà còn mang nhiệm vụ kết nối. Qua khoảng giếng trời này, các thành viên trong gia đình dễ dàng tương tác với nhau theo cả phương ngang (từ phòng này sang phòng kia) và phương dọc (từ tầng này sang tầng kia).
Đặc biệt, mức độ tương tác có thể được điều chỉnh theo mong muốn của người sử dụng thông qua hệ thống ba lớp rèm – cửa kính trượt – hệ nan thép quanh giếng trời. Hệ thống ba lớp này thông thoáng hơn tường đặc mà riêng tư hơn vách kính. Ở giếng trời này, kiến trúc sư còn bố trí hai tấm lưới bằng sợi cotton; vừa đảm bảo an toàn cho gia đình có trẻ nhỏ vừa có thể làm nơi thư giãn.
Mỗi giếng trời được thiết kế với một “chủ đề” khác nhau. Giếng trời đầu nhà cũng là nơi đặt bể cá nên được ốp gạch gốm màu xanh và vàng; gợi hình ảnh lớp vảy lấp lánh khi được mặt trời chiếu vào.
Hình ảnh mưa rào nhiệt đới
Giếng trời giữa nhà làm bằng nan thép trắng, tái hiện hình ảnh mưa rào nhiệt đới. Giếng trời sau nhà như khu rừng thu nhỏ với nhiều loại cây cối. Tầng một là nơi gia đình chia sẻ không gian bếp và ăn nên được mở rộng hoàn toàn và đưa vào những khoảng trống để những con chạy nhảy, vui chơi.
Từ tầng hai trở lên, không gian chia thành các khu vực chức năng riêng biệt. Năm phòng ngủ nằm về hai phía của ngôi nhà, độc lập và tích hợp nhiều vai trò. Không chỉ là nơi nghỉ ngơi, mà còn là chỗ làm việc – học tập, nơi thay đồ và vệ sinh. Các phòng ngủ đều được tiếp xúc với thiên nhiên nhờ giếng trời.
Hầu hết nội thất được kiến trúc sư thiết kế riêng. Đồ trong các buồng ngủ được tính toán để phù hợp với từng thành viên. Ví dụ, không gian phòng trẻ con sẽ nhiều màu sắc hơn phòng người lớn.
Nội thất phòng ngủ là một tổ hợp liên hoàn các đồ vật được bố cục với nhau; vừa tiện dụng về mặt công năng, vừa mang tính thẩm mỹ cao. Đồng thời tối ưu về mặt diện tích. Chúng tạo nên các tiểu không gian trong phòng ngủ, được sắp xếp sao cho hài hòa giữa nhu cầu riêng tư và kết nối. Ví dụ, bàn học của hai phòng ngủ đối diện không hướng về nhau; tránh cảm giác không thoải mái cho người sử dụng.
Lưu ý thiết kế giếng trời
- Thiết kế giếng trời với phần mái sử dụng chất liệu có độ bền cao; có thể chống chọi với mọi điều kiện thời tiết. Tránh tình trạng bị thấm, dột khi mưa. Hay nhiệt độ cao làm vật liệu trở nên chảy, không bền, gây nguy hiểm.
- Theo phong thủy nên đặt giếng trời ở cung Tài Lộc, Thiên Mạng. Nên đặt giếng trời ở giữa nhà và đặt cây xanh, nước ở đáy giếng.
- Nếu ngôi nhà đã có đủ ánh sáng tự nhiên thì gia chủ nên cân nhắc có nên thiết kế giếng trời hay không.
- Nếu khu vực giếng trời là nơi sinh hoạt; qua lại nhiều thì nên để ít đồ trang trí để tránh đổ vỡ, gây nguy hiểm.