Rau xanh tại Hóc Môn khan hiếm sau khi TPHCM cấm chợ

Nhận định thị trường Thị trường

Khoảng một tuần trở lại đây, khi TP.HCM bắt đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ, nhiều vườn rau xanh ở huyện Hóc Môn rơi vào tình trạng ùn ứ, tồn đọng, không có đầu ra. Tuy nhiên, đến nay rau tại vườn ngày càng khan hiếm, cung không đủ cầu. Theo đó, để nắm rõ tình hình sản xuất và tiêu thụ rau trên địa bàn TP.HCM trong thời gian thành phố thực hiện theo Chỉ thị số 16 đồng thời tạm dừng hoạt động tất cả các chợ, kể cả chợ đầu mối, chúng tôi đã tiến hành ghi nhận tại các xã trồng rau xanh trên địa bàn huyện Hóc Môn.

Tại sao rau củ khan hiếm?

Tại sao rau củ khan hiếm?

Tại xã Xuân Thới Thượng, hầu hết các vườn rau mới xuống giống được vài ngày. Trong đó cũng có vài luống chuẩn bị đến thời điểm thu hoạch. Theo đánh giá chung, số lượng rau sắp đến ngày thu hoạch không còn nhiều. Trong khi đó, khách chạy xe máy vào để thu mua liên tục.

Trao đổi với Dân Việt, ông Nguyễn Văn Tín – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thới Thượng – cho biết, những ngày gần đây, rau trên địa bàn đang rất hút hàng. Rau ở các vườn khan hiếm, không có đủ để bán cho người mua. Theo lý giải của ông Tín, nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên một phần vì dịch bệnh nên nông dân gieo trồng ít lại; một phần vì rau củ trong thành phố khan hiếm, đắt đỏ. Nên người dân tự phát vào các vườn để thu mua bán lại.

“Sáng nay, tôi đi mấy vườn để mua rau tặng cho những gia đình bị ảnh hưởng dịch bệnh nhưng không mua được. Vì mỗi vườn chỉ còn rất ít rau đến kỳ thu hoạch. Tôi nhờ cả chủ nhiệm hợp tác xã (HTX) thu gom dùm, nhưng họ báo chưa có. Mấy ngày trước, tôi khảo sát để làm chuyến xe lưu động bán hàng bình ổn. Vừa giúp tiêu thụ rau củ cho nông dân, vừa giúp cho các khu cách ly có rau ăn, nhưng không đủ rau để làm” – ông Tín nói.

Tương tự, ông Sơn (Chủ nhiệm HTX nông nghiệp tại Xuân Thới Thượng) cho biết, hiện HTX có 20 xã viên trồng rau trên diện tích khoảng 10 ha. Thời điểm hiện tại, rau củ đang rất khan hiếm. “Dù nhiều vườn không có rau nhưng mỗi ngày đều có hàng loạt xe chạy vào mua, cũng không biết người ở đâu. Hiện nay, mỗi vườn chỉ có vài chục ký rau bán mỗi ngày, giá khoảng 10.000 -12.000 đồng/kg.

Người trồng chưa kết nối được người cần

Theo ghi nhận tại xã Xuân Thới Đông, hầu hết các vườn rau cũng vừa xuống giống. Theo tính toán của ông Trần Văn Nghinh (ấp 1, xã Xuân Thới Đông), mỗi loại rau có thời gian thu hoạch khác nhau. Rau gieo hạt thì khoảng 30 – 35 ngày, rau cấy thì khoảng 17-20 ngày có thu.

Ông Nghinh cho biết, hơn một tuần trước, thành phố áp dụng Chỉ thị 16 đúng vào lúc rau tại các vườn đến thời gian thu hoạch. Các chợ truyền thống, chợ đầu mối ngưng hoạt động. Người dân không được ra khỏi nhà đi bán rau… Nên số lượng rau không bán kịp còn rất nhiều.

“Lúc đó, có bán cũng được 1.000 – 2.000 đồng/kg, nhưng chẳng có người mua. Rau đổ ngổn ngang, ùn ứ, cho không ai lấy. Còn bây giờ, tình hình ổn hơn rồi, có người tự tìm đến thu mua. Tuy nhiên lại chưa đủ ngày bán” – chú Nghinh nói.

Cũng theo ông Nghinh, trong thửa ruộng khoảng 1,5 ha của ông hiện chỉ còn một vài luống đến thời gian thu hoạch. Trong đó có luống ông đã liên hệ cho bếp từ thiện tới cắt. Hiện nay, thi thoảng cũng có người vào mua. Mỗi luống cũng được khoảng vài chục cân, hai ba người vào lấy là hết.

Người dân cần chính quyền hỗ trợ đầu ra

Ông Kim Ngọc Quỳnh, một nông dân trồng rau tại Xuân Thới Đông cũng cho biết, ông đang khôi phục lại vườn rau; khoảng nửa tháng nữa sẽ có thu hoạch.  Tuy nhiên, ông rất sợ đến thời điểm rau thu hoạch được mà thành phố vẫn tiếp tục giãn cách. Thì lại rơi vào cảnh khó khăn như những ngày đầu. Rau củ phải nhổ bỏ không có người mua.

Ông Quỳnh nói: “Nhà nước yêu cầu vừa tăng gia sản xuất vừa chống dịch. Chúng tôi tuân thủ nguyên tắc không ra khỏi nhà. Thế nhưng, chính quyền cần hỗ trợ cho chúng tôi về đầu ra. Tránh tình trạng như đợt vừa rồi. Trước tới nay, chúng tôi chỉ biết chở rau ra các chợ để bỏ mối, bán lẻ. Dù bây giờ thi thoảng cũng có người vào mua, nhưng không ổn định. Nếu tình trạng này kéo dài, người trồng không kết nối được với người mua;  khách hàng và thương lái thì rất khó khăn”.

Trao đổi với phóng viên, bà Lê Thị Thanh – Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hóc Môn – cho biết, thời điểm bắt đầu áp dụng Chỉ thị 16, tất cả các cơ quan đoàn thể tại huyện Hóc Môn đều dồn lực để phân công thực hiện tại các chốt, chăm sóc các hộ dân trong khu cách ly… Nên không nắm xuể được tình hình tiêu thụ nông sản của người dân.

Rau tồn đọng ở các hộ nhỏ lẻ

Tuy nhiên, rau bị tồn đọng hầu hết là từ các hộ sản xuất nhỏ lẻ, không nằm trong các tổ sản xuất hoặc hợp tác xã trồng rau. Không tham gia chuỗi liên kết thu mua nên đầu ra gặp khó trong thời điểm dịch bùng phát. Còn các hộ trong tổ sản xuất, HTX thì đầu ra rất ổn định, không có chuyện rau củ bị tồn đọng.

Cũng theo bà Thanh, Hội Nông dân đã vận động các hộ này vào tổ sản xuất. HTX nhưng đa phần họ không đủ vốn để theo. Ngoài ra, nếu trồng rau theo tiêu chuẩn VietGAP thì nguồn vốn bị gối đầu. Trong khi người dân chỉ thích “tiền tươi thóc thật”.

Rau tồn đọng ở các hộ nhỏ lẻ 

“Sau vài ngày đầu triển khai công tác phòng chống dịch. Chúng tôi đã bắt tay vào hỗ trợ tiêu thụ nông sản cho người dân. Trong đó, chủ yếu là giới thiệu mạnh thường quân và các bếp ăn từ thiện mua rau. Đồng thời, chúng tôi cũng triển khai bán hàng trên Facebook, Zalo để hỗ trợ dân tiêu thụ nông sản. Đến thời điểm này, khi liên hệ các xã để đặt hàng rau thì đều báo khan hiếm, hết hàng” – bà Thanh nói.

Bà Thanh cho biết thêm, trong thời gian tới, hy vọng dịch bệnh được đẩy lùi. Để nông dân yên tâm sản xuất, ổn định đầu ra cũng như thu nhập. “Trường hợp nếu thành phố vẫn giãn cách. Chúng tôi sẽ phối hợp với Phòng Kinh tế huyện tiếp tục theo dõi. Đồng thời, lên phương án để đồng hành và hỗ trợ người dân”.

Nhiều giải pháp để mở cửa chợ trở lại an toàn

Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Thị Thắng đã ký công văn khẩn gửi các đơn vị liên quan về việc tổ chức chợ truyền thống hoạt động trở lại trong điều kiện đảm bảo an toàn. Công văn nêu rõ: Trong bối cảnh tác động của dịch COVID-19 hiện đã có ba chợ đầu mối. Hơn 2/3 chợ truyền thống và một số siêu thị, cửa hàng tiện lợi tạm ngưng hoạt động. Để thực hiện các biện pháp an toàn phòng chống dịch.

Nhiều giải pháp để mở cửa chợ trở lại an toàn

“Việc cung ứng phân phối hàng hóa cho người dân TP tập trung vào kênh phân phối hiện đại làm gia tăng áp lực. Đồng thời, tạo nhiều nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Trước tình hình trên, việc nhanh chóng tổ chức lại các điểm cung ứng hàng hóa tại địa phương với phương thức phù hợp trên cơ sở rà soát, khôi phục. Đồng thời, đưa vào hoạt động trở lại các điểm bán mặt hàng lương thực, thực phẩm thiết yếu tại chợ truyền thống. Trong điều kiện an toàn là hết sức cần thiết” – công văn nêu rõ.

UBND TP.HCM yêu cầu các sở, ngành, đơn vị liên quan khẩn trương thực hiện nhiều giải pháp. Cụ thể, Sở Công Thương nghiên cứu hướng dẫn tổ chức các hoạt động tại các chợ truyền thống; tổ chức các điểm bán thực phẩm tươi sống, hàng hóa thiết yếu tại các chợ hiện đang tạm ngưng hoạt động với hình thức phù hợp, đảm bảo an toàn phòng chống dịch; tiếp tục phối hợp với các bên liên quan đẩy nhanh việc triển khai phương án điều tiết hàng hóa tại các điểm tập kết và trung chuyển hàng hóa tạm thời tại chợ đầu mối Thủ Đức, Hóc Môn.

Tags: , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *