Các mặt hàng của chương trình OCOP xuất khẩu thành công ra thị trường nước ngoài

Kinh tế - Đầu tư Thị trường

Hiện đại hoá trong canh tác nông nghiệp, phát triển và xây dựng kinh tế nông thôn một cách bền vững và hiệu quả là nhiệm vụ quan trọng hàng đầu mà Việt Nam đang theo đuổi. Trong đó, việc đẩy mạnh triển khai chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) là một trong những nỗ lực của chính phủ có vai trò “hạt nhân” giúp đưa nông sản của Việt Nam lên một tầm cao mới.

Và, những nỗ lực ấy đã thực sự được đền đáp khi các sản phẩm OCOP của Việt Nam mới đây đã đủ điều kiện để mang đi xuất khẩu tới các thị trường Bắc Á và châu Phi.

Các sản phẩm OCOP dần khẳng định được chất lượng

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau gần 3 năm triển khai chương trình OCOP, giai đoạn 1 (2018-2020) đã có những kết quả tích cực. Có 4.469 sản phẩm đạt từ 3 sao trở lên của 59 tỉnh, thành phố. Con số này vượt 1,86 lần so với mục tiêu đề ra.

Các địa phương đã tổ chức được 66 hội chợ về sản phẩm OCOP với trên 10.000 gian hàng. Có 1.016 hợp đồng hợp tác giữa các chủ thể OCOP và đơn vị thương mại được ký kết. Trong đó, 354 chủ thể có sản phẩm được phân phối ổn định trong các hệ thống siêu thị; nhất là Central Retail, Saigon Coop, Mega Market… và một số siêu thị địa phương.

Các sản phẩm OCOP dần khẳng định được chất lượng

Thanh Hoá – một trong những địa phương đi đầu trong chương trình OCOP

Doanh nghiệp nhạy bén thay đổi để đáp ứng tiêu chuẩn OCOP

Năm 2019, HTX Nông lâm nghiệp Bình Sơn, Thanh Hoá có 2 sản phẩm được xếp hạng 3 sao. Đến nay HTX này đã có 4 sản phẩm được xếp hạng 3 sao nhờ đa dạng hóa sản phẩm. Trong đó, từ sản phẩm chè Bình Sơn, HTX đã cho ra đời thêm 2 sản phẩm là trà xanh túi lọc và trà cà gai leo túi lọc Bình Sơn. Để các sản phẩm được biết đến rộng rãi; HTX đã tăng cường quảng bá, mở rộng thị trường tiêu thụ, hướng đến nhiều phân khúc khác nhau thông qua hệ thống đại lý phân phối trong và ngoài tỉnh. Kết quả sau 2 năm, doanh thu của HTX Bình Sơn cao gấp 2 lần; đạt 2 tỷ đồng so với trước khi được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ông Lê Đình Tú, Giám đốc HTX Bình Sơn cho biết: “Việc đa dạng hóa sản phẩm theo thị hiếu người tiêu dùng phải gắn với đầu tư để hoàn thiện, nâng cao chất lượng sản phẩm. Năm 2020, chúng tôi đã đầu tư thêm máy hạ thủy phân, tách tạp chất mật ong, cải tiến bao bì, mẫu mã sản phẩm. Sản phẩm mật ong bốn mùa hoa rừng nguyên chất và trà xanh sạch Bình Sơn là 2 sản phẩm mới chúng tôi đang nghiên cứu sản xuất với chất lượng cao hơn. Chúng tôi xác định đây là 2 sản phẩm chiến lược để phát triển của HTX. Nó có thể đáp ứng những tiêu chí khắt khe của các thị trường mới”.

Thành công với các sản phẩm mới

Thanh Hoá – một trong những địa phương đi đầu trong chương trình OCOP

Trải qua nhiều lần thất bại, có lúc tưởng chừng như “khuynh gia bại sản”, ông chủ hộ sản xuất, kinh doanh Đăng Khoa, Nguyễn Văn Tuấn ở tiểu khu Long Khang, thị trấn Nga Sơn sau hơn 5 năm nghiên cứu và sản xuất đã thành công bước đầu với sản phẩm đông trùng hạ thảo nhân tạo với 3 sản phẩm được xếp hạng 3 sao cấp tỉnh là đông trùng hạ thảo tươi Đăng Khoa, đông trùng hạ thảo khô Đăng Khoa và rượu đông trùng hạ thảo Đăng Khoa.

Năm 2020, cơ sở sản xuất đông trùng hạ thảo này đã cho doanh thu hơn 1 tỷ đồng. Bên cạnh các sản phẩm được xếp hạng, hiện nay, cơ sở sản xuất này còn nhân nuôi đông trùng hạ thảo vào đáy vỏ chai thủy tinh để định hình khối. Sau đó tiếp tục đổ rượu ngâm trực tiếp vào chai.

“Ưu thế về giá của sản phẩm rẻ hơn nhiều so với giá nhập khẩu nước ngoài. Thế nên, tôi đang hướng tới mở rộng thị trường ra cả nước. Khi các sản phẩm của mình trở thành sản phẩm OCOP thì việc được hỗ trợ quảng bá sản phẩm là cơ hội lớn để phát triển thị trường trong và ngoài tỉnh” – anh Tuấn chia sẻ.

Cần có sự giúp sức của các chính quyền địa phương

Để nâng cao chất lượng sản phẩm OCOP, ngoài sự năng động, sáng tạo của các chủ sản phẩm trong áp dụng khoa học kỹ thuật, đổi mới, đa dạng sản phẩm, quảng bá, tìm kiếm thị trường, một yếu tố không thể thiếu đó là trách nhiệm “đỡ đầu” của chính quyền các cấp trong việc tạo cơ chế, chính sách, nguồn vốn. Đây là cơ hội, điều kiện để phát triển sản phẩm OCOP.

Với 14 sản phẩm được xếp hạng Thanh Hóa là địa phương dẫn đầu của chương trình OCOP. Có được kết quả trên, theo ông Thịnh Văn Huyên, Phó chủ tịch UBND huyện Nga Sơn: “Trong xây dựng sản phẩm OCOP, ngay từ đầu, chúng tôi xác định Nga Sơn là huyện có nhiều ưu thế, phải phát huy được điều này. Huyện đã chỉ đạo các xã bám sát những tiêu chí của sản phẩm OCOP. Từ đó để triển khai, nhất là quan tâm đến chất lượng, mẫu mã.

Việc đồng hành để giúp đỡ các chủ thể sản xuất được huyện đặc biệt quan tâm. Có thể kể đến như: Giao phòng NN&PTNT đấu mối, khảo sát các sản phẩm; định hướng, hướng dẫn chủ thể sản xuất triển khai hồ sơ, thủ tục. Ngoài ra, huyện còn hỗ trợ kinh phí để xây dựng sản phẩm, tìm kiếm thị trường. Thường mỗi sản phẩm sau khi công nhận đạt chuẩn OCOP được hỗ trợ 50 triệu đồng. Sản phẩm nào có tiềm năng sẽ được hỗ trợ cao hơn”.

Các sản phẩm OCOP được xuất khẩu thành công

Các sản phẩm OCOP được xuất khẩu thành công

Đến nay, Thanh Hóa đã có 21/27 huyện, thị, thành phố có sản phẩm OCOP. Trong số 100 sản phẩm được xếp hạng, sản phẩm mắm và nước mắm Lê Gia (huyện Hoằng Hóa) là sản phẩm duy nhất đạt 5 sao. Hiện nay, sản phẩm này đã xuất khẩu thành công với số lượng lớn. Các thị trường chủ lực là Nhật Bản, Hàn Quốc, Nam Phi. Nó cũng có mặt trên kệ hàng nhiều siêu thị tại Hà Nội.

Như vậy, có thể thấy sản phẩm chất lượng cao tuy còn khá khiêm tốn so với tiềm năng thế mạnh của địa phương; nhưng hoàn toàn có thể thiết lập chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Chính quyền địa phương cần hỗ trợ các chủ thể khai thác, nâng cấp các sản phẩm; mở rộng sản xuất, gia tăng giá trị, đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường, hướng đến xuất khẩu.

Tags: , , , ,

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *