Tha hồ ngắm mây trời với thiết kế giếng trời trong nhà
Như chúng ta đã biết giếng trời giúp ngôi nhà đón được nhiều ánh sáng cũng như không khí trong lành hơn. Chẳng những vậy chúng còn mang lại không gian độc đáo cho ngôi nhà nữa đấy. Bài viết dưới đây sẽ giới thiệu đến bạn ngôi nhà được chủ nhân ưu ái lắp đặt giếng trời với mong muốn hòa mình vào thiên nhiên. Đặc biệt bên cạnh đó bài viết cũng sẽ chia sẻ những thông tin khoa học liên quan đến kiến thức thiết kế nhà phố, để tìm ra giải pháp hóa giải không gian. Đặc biệt là giếng trời, chúng được xem là giải pháp của những ngôi nhà phố, vốn nhỏ hẹp về chiều rộng và dài về chiều sâu.
Mục lục
Thu hút ánh sáng và không khí
Trong không gian chật chội và bức bí của đô thị; việc mang ánh sáng và không khí thiên nhiên vào nhà đang trở thành nhu cầu chung của nhiều hộ gia đình. Vì vậy những thiết kế nhà có kèm theo giếng trời đang trở nên phổ biên và được nhiều người ưa chuộng.
Bên cạnh đó việc bài trí giếng trời một cách hợp lý còn có thể đem lại sinh khí và tài lộc cho gia chủ. Việc mở giếng trời mục đích thu vào nhiều ánh sáng hay lưu thông không khí. Ánh sáng tượng trưng cho dương khí. Sự lưu thông không khí chính là quá trình lưu thông các nguồn năng lượng trong ngôi nhà.
Căn nhà cách biển Mỹ Khê 500 m vừa là nơi ở vừa là chỗ kinh doanh của người đàn ông ngoài 30 tuổi. Với gia chủ, điều quan trọng nhất là không gian sống cởi mở. Phù hợp với tính cách anh và bù lại sự chật chội của phố xá bên ngoài. Anh cũng thích văn hóa sống chia sẻ, muốn đón tiếp mọi người và mong họ cảm thấy gần gũi như ở nhà mình.
Từ yêu cầu của gia chủ, nhóm thiết kế tạo ra một giếng trời xuyên suốt bốn tầng nhà. Giếng trời chiếm 20% diện tích xây dựng, phía trên là mái kính kích thước 3,5 m x 4 m. Ngoài mục đích giúp công trình thông thoáng hơn; giếng trời kết nối căn nhà với bầu trời, cho phép nó đón nắng mỗi ngày. Gia chủ cũng dễ dàng quan sát, cảm nhận sự thay đổi của thời tiết và sự dịch chuyển của thời gian ngay trong tổ ấm của mình.
Hệ thống cây xanh mát mắt
Tại ban công quanh giếng trời, kiến trúc sư bố trí các bồn cây nhiệt đới. Hệ thống cây xanh vừa góp phần làm không gian nội thất xanh mát hơn; vừa cho người ở thêm cơ hội tiếp xúc với thiên nhiên.
Giếng trời còn có chức năng kết nối người ở với nhau. Bên dưới giếng trời là khu vực sinh hoạt chung với thiết kế mở. Từ đó khuyến khích sự tương tác của người ở với nhau thông qua các hoạt động; như nấu nướng, ăn uống, đọc sách, xem phim. Việc tiếp xúc với thiên nhiên cũng góp phần “níu chân” người ở tại khu vực “mở” nhất; từ đó giúp họ gần gũi với nhau hơn.
Như vậy, phần diện tích dành cho giếng trời tưởng chừng bị mất đi lại trở thành trung tâm căn nhà; tăng chất lượng sống bên trong. Giếng trời cũng là điều gia chủ tự hào nhất trong căn nhà của mình. Về bố trí công năng, căn nhà gồm chín phòng riêng. Trong đó tám phòng đặt bên trên dành cho kinh doanh còn gia chủ ở tầng trệt. Các phòng được bố trí lệch nhau để tránh nhìn trực diện, đảm bảo riêng tư.
Nội thất cơ bản và màu sắc mạnh
Nội thất nhà kết hợp giữa phong cách Mid Century Modern từ thập niên 1960 với phong cách hiện đại; sử dụng đường nét hình học cơ bản và màu sắc mạnh. Vật liệu chủ yếu là gỗ óc chó và đá mài biến tấu trên sàn gạch hoa văn kỷ hà.
Ở bên ngoài, công trình có diện mạo đơn giản, hiện đại. Các mảng tường được ốp gỗ tự nhiên cùng những ô cửa kính tạo nên những khối hình hộp đặc – rỗng đan xen nhau. Chiếm toàn bộ mặt tiền tầng trệt là hệ cửa xếp lớn làm từ các thanh gỗ được đan caro thủ công với nhau. Chúng như tấm lưới lớn có nhiều khoảng trống để đưa gió vào bên trong công trình. Góp phần tạo nên không gian “mở” riêng biệt giữa chốn thành thị đông đúc.